Khác với sự trầm lắng trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài (ĐTNN) của tháng 1, tình hình tháng 2-2011 đã sôi động hơn, báo hiệu về một khả năng tăng trưởng cao hơn và lan tỏa mạnh của lĩnh vực quan trọng này trong thời gian tới.
Sự chuyển biến đáng mừng
Sản xuất các sản phẩm kỹ thuật điện tại Công ty TNHH ABB Việt Nam
(công ty có vốn đầu tư nước ngoài). Ảnh: Huy Hùng
Theo thống kê, kết quả thu hút vốn ĐTNN tháng 1-2011 của cả nước chỉ đạt hơn 187 triệu USD, bằng 15,7% cùng kỳ năm 2010. Con số khiêm tốn này đã khiến giới phân tích lo ngại, thậm chí nhận xét là có thể xảy ra tình huống dòng vốn ngoại đang có biểu hiện "giảm tốc" do ảnh hưởng từ những diễn biến tiêu cực trên thị trường cũng như hoạt động đầu tư quốc tế. Tuy nhiên, việc thu hút vốn ĐTNN đã chuyển biến tích cực trong tháng 2, do đón nhận thêm khoảng 1,285 tỷ USD vốn đăng ký mới cùng 86 triệu USD vốn đăng ký bổ sung của một số dự án đã được cấp phép, nâng kết quả thu hút vốn mới trong 2 tháng đầu năm lên gần 1,56 tỷ USD. Như vậy, tình hình đang được cải thiện rõ rệt.
Theo ngành chức năng, đã có 20 tỉnh, thành phố vừa tiếp nhận dự án ĐTNN, trong đó TP Hồ Chí Minh dẫn đầu về vốn đăng ký với gần 1,1 tỷ USD (chiếm 74% tổng vốn đăng ký). Đáng lưu ý, cơ cấu lĩnh vực đầu tư đang chuyển dịch đúng hướng và rất đáng khích lệ, góp phần quan trọng vào việc thực hiện mục tiêu chuyển dịch cơ cấu của nền kinh tế theo chiến lược dài hạn. Cụ thể, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút nhiều vốn nhất, thông qua 39 dự án đăng ký mới với tổng vốn là 1,2 tỷ USD, chiếm 77% tổng số vốn đăng ký đầu tư trong 2 tháng vừa qua.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, kim ngạch xuất khẩu của khối doanh nghiệp ĐTNN trong 2 tháng đầu năm đạt 6,98 tỷ USD, tăng 40,1% so với cùng kỳ năm 2010. Riêng giá trị nhập khẩu đạt 5,93 tỷ USD, tăng 31,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, sau 2 tháng đầu năm nay, các doanh nghiệp (DN) có vốn ĐTNN đã xuất siêu 1,05 tỷ USD. Đây là thực tế thể hiện hiệu quả sản xuất, kinh doanh của các DN thuộc khối này. Chắc chắn nếu đứng vững và hoạt động lâu dài tại thị trường Việt Nam, họ sẽ kiến tạo "bàn đạp" để thâm nhập thị trường ASEAN cũng như các thị trường khác.
Kết quả giải ngân vẫn tiếp tục khả quan
Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), kết quả giải ngân vốn ĐTNN tiếp tục khả quan trong tháng 2 với mức vốn thực hiện đạt gần 600 triệu USD, đưa tổng số vốn ĐTNN giải ngân trong 2 tháng đầu năm lên 1,15 tỷ USD, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2010. Thực tế này cho thấy, các nhà đầu tư ngoại đang kiên trì định hướng chiến lược, chủ động chấn chỉnh hoạt động, tập trung vào việc triển khai các công đoạn liên quan đến quá trình nhập thiết bị, xây lắp, hoàn chỉnh đồng bộ dây chuyền sản xuất để đưa dự án vào hoạt động. Quyết định này được các chuyên gia cho là "khôn ngoan" trong bối cảnh nhà đầu tư phải đối phó với tình hình khó khăn trên thị trường thế giới, từ đó kết hợp cơ cấu lại địa bàn và nguồn vốn đầu tư, nhanh chóng tăng tốc triển khai từng dự án cụ thể để sớm thu hồi vốn. Nói cách khác, giới ĐTNN đang áp dụng phương châm "chậm mà chắc" để phát huy nguồn vốn đầu tư một cách an toàn và hợp lý. Hoạt động sản xuất kinh doanh của khối DN ĐTNN tiếp tục khởi sắc là động lực khiến nhiều DN tiếp tục đổ vốn vào Việt Nam. Mặt khác, nhà đầu tư tích cực triển khai dự án còn do môi trường đầu tư - kinh doanh ở Việt Nam hiện vẫn được thế giới đánh giá là cạnh tranh và đang trên đà cải thiện. Một con số khác về kết quả khảo sát của Phòng Thương mại châu Âu mới đây cũng rất đáng lưu ý, 73% số DN xác nhận hoạt động của họ tại Việt Nam đang ở tình trạng "tốt" và "bình thường", trong khi tỷ lệ số đơn vị tự cho là đang đạt được mức kinh doanh "xuất sắc" tăng từ 6% đến 11% so với năm trước. Trong khi đó, về ý định sẽ cắt giảm đầu tư tại Việt Nam cũng giảm từ 12% xuống còn 8% và có tới 32% số DN trả lời là sẽ tăng cường đầu tư tại Việt Nam so với mức 23% của cuộc điều tra năm trước.
Vừa qua, cộng đồng DN Singapore đã bày tỏ ý định sẽ đầu tư khoảng 2-3 tỷ USD vào Việt Nam trong năm 2011 và sẽ "mặn mà" với các lĩnh vực có trình độ công nghệ cao, sản xuất sản phẩm giàu sức cạnh tranh. Một số tập đoàn sản xuất thép hàng đầu của Nhật Bản cũng đang tích cực nghiên cứu, lập phương án để xúc tiến đầu tư, xây dựng nhà máy thép công suất lớn cùng hệ thống hạ tầng cơ sở liên quan ở khu vực miền Trung. Bên cạnh đó, một số nhà đầu tư Hàn Quốc lại đang đẩy nhanh tốc độ nghiên cứu và tìm hiểu điều kiện, dự kiến tham gia đầu tư vào dự án xây dựng đường cao tốc ở miền Đông Nam bộ hoặc sân bay ở khu vực phía Bắc.